Lời giải cho gần 600km metro trị giá 65 tỷ USD
18/04/2024Thời gian qua, cả Hà Nội và TP.HCM đang tiến hành đầu tư và xây dựng nhiều dự án đường sắt đô thị. Mặc dù vậy, quá trình triển khai vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề nan giải khiến các dự án đều chậm tiến độ như vướng mắc khi giải phóng mặt bằng, khó khăn trong giải ngân vốn, quản lý nguồn vốn hiệu quả,…
Để có thể sớm hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, từ ngày 17 đến 19/1, 2 thành phố lớn nhất cả nước sẽ đồng tổ chức “Hội thảo khoa học về Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM” nhằm tìm ra lời giải cho những khó khăn hiện nay.
Hội thảo sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của 200 đại biểu của các cơ quan Trung ương, địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị…
Hội thảo sẽ trao đổi nhằm hoàn thiện đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM vào năm 2035 theo 5 lĩnh vực trọng yếu: Quy hoạch; Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; Huy động nguồn lực từ đất đai; Tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ; Mô hình tổ chức, quản lý thực hiện dự án.
Nội dung Hội thảo gồm 4 phiên: Tổng quan phát triển đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo mô hình TOD; Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD; Huy động nguồn lực từ đất đai; Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị.
Mạng lưới metro trị giá 25 tỷ USD của TP.HCM
Về quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị TPHCM gồm 8 tuyến đường sắt đô thị; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (LRT). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP HCM khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD.
TP HCM cần phải thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỷ USD cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị trong vòng 4 – 5 năm tới (chậm nhất là vào năm 2028). Trong khi đó, nguồn lực tài chính thực hiện dự án đường sắt đô thị tại TPHCM hiện nay chủ yếu là vốn vay ODA cùng ngân sách Nhà nước tham gia khoảng 10 – 20%.
Trong 8 tuyến đường sắt đô thị của TP HCM, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến sẽ được vận hành thương mại năm 2024, metro số 2 Bến Thành – Tham Lương mới khởi công, các tuyến còn lại đều chưa được triển khai xây dựng.
Kết luận 49 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2035 phải hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM đánh giá việc hoàn thành 200 km trong 12 năm tới là mục tiêu rất lớn, nếu tiếp tục cách làm tương tự 20 năm qua thì không thể thực hiện kịp.
Hà Nội cần 40 tỷ USD để hoàn thiện hệ thống metro
Để kết nối các đô thị, TP Hà Nội cần có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, 3 tuyến tàu điện một ray và 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT) trong tương lai.
Tại Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội vào năm 2035.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra là nguồn lực. Theo tính toán, để phát triển đường sắt đô thị, Hà Nội cần 40 tỷ USD. Hiện tại, chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị đang vận hành khai thác là tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kết nối hạ tầng tại Hà Nội còn nhiều bất cập, quá trình triển khai, chuẩn bị đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị rất chậm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: “Nếu cứ theo tiến độ các dự án đang triển khai, phải mất 150 năm mới hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. Điều này không thể chấp nhận được”.